THÔNG TIN NHANHPHÒNG CHỐNG SỐT XUẤT HUYẾT DENGUE
14/04/2025
THÔNG TIN NHANHPHÒNG CHỐNG SỐT XUẤT HUYẾT DENGUE
Trên địa bàn thành phố Thuỷ Nguyên tính từ 1/1/2025 đến hết ngày 31/03/2025 đã ghi nhận 7 ca mắc SXHD tại các xã, phường : phường Hoàng Lâm (01), phường Thuỷ Hà (01), phường Hoà Bình (01), phường Dương Quan (01), phường Minh Đức (01), xã Liên Xuân (01), xã Ninh Sơn (01) . Tuy nhiên trong 2 tuần gần đây (tuần 12, 13), ghi nhận số ca mắc có dấu hiệu gia tăng, chủ yếu tập trung tại quận Lê Chân, Hồng Bàng, An Dương. Tích lũy đến hết ngày 01/4/2025, toàn thành phố ghi nhận 180 trường hợp mắc (0 tử vong).
Để bảo vệ sức khỏe cho chính mình, gia đình và cộng đồng, mỗi người dân chúng ta cần nâng cao ý thức phòng, chống sốt xuất huyết.
Bệnh sốt xuất huyết Dengue là bệnh nhiễm vi rút cấp tính do muỗi vằn truyền. Hiện nay bệnh vẫn không có thuốc điều trị đặc hiệu và có thể dẫn tới tử vong nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Mọi người đều có thể bị mắc bệnh từ trẻ sơ sinh cho đến người lớn. Bệnh không lây truyền trực tiếp từ người sang người mà do muỗi đốt người bệnh có mang vi rút sau đó truyền vi rút sang người lành qua vết đốt.
Bệnh sốt xuất huyết Dengue có biểu hiện đa dạng, diễn biến nhanh chóng từ nhẹ đến nặng.
Bệnh thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua ba giai đoạn: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục. Phát hiện sớm ca bệnh, điều trị đúng và kịp thời sẽ hạn chế được số ca tử vong.
Biểu hiện của bệnh là sốt cao đột ngột, liên tục từ 2 – 7 ngày và có thể có các dấu hiệu sau:
Biểu hiện xuất huyết có thể ở nhiều mức độ khác nhau như: có chấm/mảng xuất huyết ở dưới da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam.
Nhức đầu, chán ăn, buồn nôn, nôn.
Da xung huyết, phát ban.
Đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt.
Bệnh nhân chuyển nặng khi có thêm các dấu hiệu sau:
Vật vã, lừ đừ, li bì.
Đau bụng vùng gan hoặc ấn đau vùng gan.
Gan to > 2 cm.
Nôn - nhiều.
Xuất huyết niêm mạc.
Tiểu ít.
Sốc: mạch nhanh, huyết áp tụt, kẹt.
Xuất huyết nặngCần phát hiện sớm các dấu hiêu chuyển nặng để chuyển viện điều trị kịp thời, tránh tử vong.
Để diệt muỗi và bọ gậy của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue, người dân không nên tự ý mua hóa chất diệt muỗi về phun vì nếu phun không đúng kỹ thuật, không đúng liều lượng và không đúng chủng loại hóa chất đã được Bộ Y tế cho phép sử dụng sẽ không có hiệu quả diệt muỗi, ngược lại còn ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt là trẻ em, người già và người mắc các bệnh mãn tính về đường hô hấp hoặc làm tăng tính kháng của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue. Khi có nhu cầu về phun hóa chất diệt muỗi cần đến các cơ sở y tế để được tư vấn như Trung tâm y tế tuyến quận/huyện, thành phố.Để chủ động phòng chống sốt xuất huyết Dengue, Bộ Y tế kêu gọi người dân mỗi tuần hãy dành 10 phút để diệt bọ gậy/lăng quăng và thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:
1. Kiểm tra, phát hiện và diệt lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt bằng cách thường xuyên thay rửa, đậy nắp kín bể và các vật dụng chứa nước, thả cá để tiêu diệt lăng quăng.
2. Thường xuyên thay nước ở các lọ hoa, thả muối hoặc hóa chất diệt bọ gậy vào bát nước kê chân chạn, bể cảnh, hòn non bộ, khay nước thải tủ lạnh…
3. Loại bỏ các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên, lật úp các vật dụng có thể chứa nước không sử dụng, để không cho muỗi đẻ trứng.
4. Ngủ màn phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày, mặc quần áo dài tay, dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện... để diệt muỗi và phòng muỗi đốt.
5. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các chiến dịch diệt bọ gậy/lăng quăng và các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
6. Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.
7. Tiêm vắc xin phòng chống bệnh Sốt xuất huyết.